top of page

HỎI ĐÁP NHANH

THỜI GIAN PHỤC VỤ

1 / Giờ làm việc của thư viện như thế nào?

a. Từ Thứ 2 – Thứ 6

      + Buổi sáng: 7g00 đến 11g00

      + Buổi chiều: 13g00 đến 17g00

b. Thứ bảy, CN và ngày lễ - Thư viện đóng cửa

* Lưu ý: Bạn đọc trả hoặc mượn tài liệu trước giờ đóng cửa 15 phút để Thủ thư sắp xếp kho tài liệu.

SỬ DỤNG THƯ VIỆN

1 / Tôi có thể được mang những đồ dùng gì vào Thư viện?

- Bạn đọc chỉ được mang:

      + Giấy, bút, máy tính, sổ tay, vở viết.

      + Vật dụng có giá trị (điện thoại, bóp tiền, laptop, máy tính bảng, …)

      + Các tài liệu đóng quyển phải đăng ký tại quầy thông tin.

- Các vật dụng khác phải gửi tại các tủ đồ.

2 / Tôi để cặp sách trong đó có tiền và nhiều giấy tờ trong tủ đồ của Thư viện nhưng quên không khóa tủ, khi ra về bị ai đó lấy mất. Vậy tôi có được đền bù hay hỗ trợ gì không?

Thư viện đã khuyến cáo Bạn đọc lên Thư viện không nên để những tài sản có giá trị (tiền, điện thoại, máy tính, giấy tờ…) vào tủ gửi đồ. Khi mất Thư viện không chịu trách nhiệm và không đền bù bất kỳ tài sản nào của Bạn đọc. 

3 / Đối tượng nào được sử dụng Thư viện?

- Cán bộ, viên chức (CBVC), giảng viên của Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ; 

- Sinh viên thuộc các hệ đào tạo của Cao đẳng Y tế Cần Thơ (CĐYT CT) đã qua lớp hướng dẫn sử dụng thư viện trường. (Riêng sinh viên tại chức phải cược tiền khi mượn tài liệu về nhà).

- Bạn đọc ngoài đã qua lớp hướng dẫn sử dụng thư viện trường (Thư viện đang hướng đến).

CẤP THẺ

1 / Để được sử dụng Thư viện cần điều kiện gì?

Thư viện Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ luôn chào đón các bạn đến học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, để sử dụng dịch vụ và tiện ích của thư viện, điều kiện cần:

   - Thứ nhất: Có thẻ thư viện

   - Thứ hai: Tham gia lớp Tập huấn sử dụng Thư viện (Có thể liên hệ tại quầy Thông tin để được hướng dẫn).

   - Thứ ba: Tuân thủ các Quy định sử dụng Thư viện.

2 / Đối tượng nào được đăng ký làm thẻ thư viện?

Tất cả cán bộ, viên chức, giảng viên, học sinh - sinh viên hiện đang công tác và học tập tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ. 

3 / Muốn làm thẻ thư viện cần đem theo giấy tờ gì? Thời gian cấp thẻ bao lâu? Công dụng của thẻ Thư viện?

- Bạn liên hệ cán bộ quầy Thông tin để đăng ký làm thẻ. Khi đi bạn đem theo một trong những giấy tờ sau để đối chiếu: Thẻ CBCNV, Thẻ sinh viên hoặc căn cước công dân.

- Sau khi đăng ký làm thẻ, bạn sẽ tham gia một lớp hướng dẫn sử dụng thư viện và nhận thẻ.

- Thẻ thư viện dùng để sử dụng tất cả dịch vụ trong thư viện như mượn - trả tài liệu, đọc tài liệu, Internet, đăng ký phòng học nhóm….

4 / Thẻ thư viện được sử dụng trong bao lâu thì hết hạn?

- Thẻ thư viện có giá trị trong suốt quá trình bạn đọc học tập và công tác tại trường sử dụng.

- Riêng thẻ tạm thời có giá trị 6 tháng và không được gia hạn tiếp.

5 / Sinh viên khóa mới đến sử dụng thư viện như thế nào?

Sinh viên đầu khóa phải đăng ký học lớp Hướng dẫn sử dụng thư viện. Đại diện Ban cán sự lớp sẽ đến thư viện liên hệ về tài khoản bạn đọc thư viện và đăng ký lớp Hướng dẫn cho tập thể lớp.

6 / Đến Thư viện tôi cần xuất trình giấy tờ gì?

Hiện nay, Thư viện quy định Bạn đọc đến Thư viện phải xuất trình thẻ tại quầy Thông tin. Nếu là khách đến thăm quan phải có giấy giới thiệu.

7 / Thủ tục sử dụng thư viện?

- Xuất trình thẻ Thư viện tại Quầy thông tin, mượn chìa khóa tủ cá nhân. Không sử dụng thẻ hết hạn, thẻ của người khác.

- Gửi đồ cá nhân vào khu vực quy định trước khi vào thư viện.

* Lưu ý: Không để tiền bạc, tư trang, vật dụng có giá trị trong tủ, mọi sự mất mát Thư viện sẽ không chịu trách nhiệm. Chỉ mang tài liệu cá nhân vào theo đúng quy định của thư viện.

- Chọn vị trí và dịch vụ thích hợp của Thư viện để học tập và nghiên cứu. Sử dụng tài liệu theo quy định và tuân thủ nội quy của Thư viện.

- Thực hiện thủ tục mượn, trả sách hoặc yêu cầu dịch vụ thư viện theo quy định.

* Lưu ý: Mọi yêu cầu, thắc mắc cần gặp trực tiếp Cán bộ Thư viện để được hỗ trợ.

- Khẩn trương trả lại tài liệu, tắt máy tính khi có thông báo hết giờ làm việc. Trước khi rời phòng đọc phải sắp xếp lại bàn ghế ngay ngắn, gọn gàng.

- Kiểm tra và lấy đồ dùng cá nhân ra khỏi tủ.

- Trả lại chìa khóa trước khi ra khỏi khu vực Thư viện.

8 / Tôi có thể cho người khác mượn thẻ thư viện của tôi không?

Bạn không được cho người khác mượn thẻ thư viện của mình. Điều này đã nêu rõ ở phần nội qui (in ở mặt sau thẻ thư viện).

9 / Khi mất Thẻ Thư viện tôi phải làm gì?

Báo ngay cho cán bộ tại quầy Thông tin khi phát hiện mình bị mất thẻ đồng thời đăng ký làm thẻ lại theo số thẻ cũ của bạn.

VỊ TRÍ NGUỒN TÀI LIỆU TẠI THƯ VIỆN

1 / Tài liệu trong kho được sắp xếp như thế nào?

- Thư viện Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ sử dụng Khung phân loại thập phân Dewey (DDC) của Mỹ để sắp xếp tài liệu trong kho.

- Trong Khung DDC, các môn loại (lớp) cơ bản được tổ chức theo ngành hoặc các lĩnh vực nghiên cứu. Ở cấp bao quát nhất, DDC được chia làm 10 lớp chính, kết hợp với nhau bao quát toàn bộ thế giới tri thức. Mỗi lớp chính được chia thành 10 phân lớp và mỗi phân lớp lại được chia thành 10 phân đoạn. Dưới đây là 10 lớp chính:

     000 Tin học, Thông tin học và Tác phẩm tổng quát

     100 Triết học và Tâm lý học

     200 Tôn giáo

     300 Khoa học xã hội

     400 Ngôn ngữ

     500 Khoa học

     600 Công nghệ

     700 Nghệ thuật và Vui chơi giải trí

     800 Văn học

     900 Lịch sử và Địa lý

          VD: Về phân lớp, phân đoạn cho lớp chính 300 (Các lớp khác cấu trúc tương tự):

                    300     Khoa học xã hội

                    …

                    320 Khoa học chính trị

                    330 Kinh tế học

                    340 Kinh tế học

                    …

                    370 Giáo dục

                    380 Thương mại (hay mậu dịch), truyền thông, vận tải

                    390 Phong tục, nghi lễ & văn hoá dân gian

                    …

- Mỗi một tài liệu căn cứ trên nội dung được định cho một chỉ số phân loại kết hợp với mã hóa nhan đề tài liệu và năm xuất bản của tài liệu để làm Ký hiệu xếp giá trong kho.

ĐỌC TÀI LIỆU TẠI CHỖ

1 / Làm thế nào để tìm tài liệu tại thư viện?

Bạn có thể tìm tại liệu theo ba cách:

      Cách 1: Qua hệ thống tủ mục lục tại thư viện.

      Cách 2: Tìm kiếm tài liệu qua OPAC

      Cách 3: Chọn sách ngay trên kệ tại thư viện. Tài liệu trong kho được sắp xếp theo môn loại khoa học, khi bạn vào kho tìm sách, trên đầu mỗi kệ sách đều có hướng dẫn cụ thể từng môn loại được sắp xếp trên đó. Vì vậy bạn sẽ tìm sách một cách dễ dàng hơn.

2 / Tôi có thể tự tìm tài liệu trên kệ không? Khi sử dụng xong, tôi tự xếp lên kệ hay phải làm gì?

Thư viện phục vụ với hình thức kho tự chọn, bạn đọc được quyền chọn sách ngay trên kệ rồi ra các khu vực đọc. Sau khi đọc xong bạn đọc không tự xếp tài liệu lên kệ mà nên để ở bàn quy định.

3 / Sách trên kệ được sắp xếp như thế nào?

Thư viện sắp xếp tài liệu theo môn loại (khung phân loại thập phân Dewey). Để biết thêm về cách bố trí và sắp xếp tài liệu bạn nên xem bảng hướng dẫn tại Thư viện.

4 / Muốn giữ tài liệu đang sử dụng ở phòng đọc tại chỗ để đọc tiếp thì làm thế nào?

Bạn cần thông báo với thủ thư tại quầy Thông tin về tài liệu mình cần đọc tiếp và gửi tại đó. 

5 / Khi tôi phát hiện ra tài liệu tôi đang mượn đã bị mất trang hay xé rách thì tôi sẽ làm gì?

Khi nhận tài liệu hoặc chọn tài liệu trên kệ phát hiện tài liệu mất trang, hay bị xé rách phải báo ngay cho thủ thư biết để không phải chịu trách nhiệm về những trang sách bị mất.

6 / Để giải đáp thắc mắc, tôi cần liên hệ ở đâu để được giúp đỡ?

Khi có thắc mắc hay cần liên hệ được giúp đỡ bạn vui lòng liên hệ cán bộ tại quầy Thông tin.

7 / Tôi có thể yêu cầu trợ giúp trong quá trình tìm kiếm thông tin tại Thư viện không?

Nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm thông tin, bạn nên liên hệ với cán bộ tại quầy Thông tin để yêu cầu trợ giúp. 

MƯỢN TÀI LIỆU VỀ NHÀ

1 / Tại sao luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học, CD-ROM, tài liệu một bản… tôi không được mượn về nhà?

- Thứ nhất là vì thư viện bảo vệ quyền tác giả cho các tài liệu có giá trị nghiên cứu;

- Thứ hai phần lớn các tài liệu nói trên thường chỉ có 1 bản trong thư viện, nếu bạn đọc mượn về nhà mà làm mất thì không có bản khác để thay thế.

- Đối với CD-ROM: vì tài liệu này có đặc điểm dễ bị sao chép, khả năng hư hỏng cao và dễ bị vi phạm bản quyền. Điều này sẽ rất thiệt thòi cho các bạn đọc khác khi cần đến nó, vì thế thư viện không cho bạn đọc mượn về nhà để hạn chế tình trạng mất hoặc hư hỏng tài liệu.

2 / Quy trình mượn tại liệu tại thư viện như thế nào?

Thư viện có quy trình mượn tài liệu, trước khi vào mượn bạn vui lòng tham khảo quy trình có dán ngay cửa của phòng để nắm rõ các bước mượn - trả tài liệu tại Thư viện. Hoặc bạn có thể vào trang web của thư viện https://sites.google.com/view/mabibliothquecmc/trang-ch%E1%BB%A7 → Vào mục HƯỚNG DẪN → Chọn HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THƯ VIỆN để biết thêm chi tiết về quy trình phục vụ này.

3 / Tài liệu được mượn về trong bao lâu?

Thông thường sinh viên được mượn về nhà 01 tuần, cán bộ giáo viên trong trường được mượn 02 tuần.

4 / Khi mượn sách về, tôi có thể mượn tối đa là bao nhiêu cuốn? Và giữ đọc trong bao lâu?

Độc giả có thể mượn 3 tài liệu /1 lần và được giữ được tối đa 14 ngày, muốn mượn tiếp bạn có thể gia hạn. Nội dung chi tiết bạn vui lòng đọc quy định mượn sách về nhà của thư viện. 

5 / Nếu trả tài liệu trễ hạn tôi phải nộp phạt như thế nào?

Nếu để trễ hạn trả tài liệu bạn đọc phải nộp phạt 1.000 đ/ngày/1 cuốn (nếu tái phạm 02 lần trở lên bạn đọc sẽ bị khóa giao dịch sử dụng Thư viện từ 03 đến 06 tháng). 

6 / Khi tôi phát hiện ra tài liệu tôi mượn đã bị mất trang hay bị xé rách thì tôi phải làm sao?

Khi nhận tài liệu mượn hoặc chọn tài liệu trên kệ, bạn đọc phát hiện tài liệu mất trang, hay bị xé rách phải báo ngay cho thủ thư biết để không phải chịu trách nhiệm về những trang sách bị mất.

7 / Tôi có thể sao chụp tài liệu trong Thư viện được không? Khi cần sao chụp tài liệu tôi phải làm thế nào?

-  Bạn đọc có nhu cầu sao chụp tài liệu trong thư viện cần liên hệ với thủ thư và sao chụp theo quy định của thư viện:

      + Sách, tài liệu tham khảo, giáo trình: được phép sao chụp 10% nội dung của tài liệu. Riêng đối với tài liệu quý hiếm, tài liệu đang bị hư hỏng, tài liệu in dạng tờ rời không được mượn ra ngoài sao chụp.

       + Báo – tạp chí: được phép sao chụp 100% nội dung của tài liệu.

      + Luận văn/ luận án, đề tài nghiên cứu không được mang ra ngoài sao chụp. Bạn đọc chỉ được yêu cầu scan/ in 10% nội dung của tài liệu tại quầy thông tin của thư viện, nếu luận văn/ luận án, đề tài nghiên cứu có bản điện tử. 

       + Tài liệu hạn chế, tài liệu đa phương tiện: không được phép sao chụp.

8 / Bạn đọc có thể nhờ người khác trả hộ sách cho thư viện không?

Bạn đọc có thể nhờ người khác trả hộ.

9 / Tôi muốn làm xác nhận không nợ sách của thư viện ở đâu?

Bạn đọc liên hệ tại quầy Thông tin của Thư viện để làm giấy xác nhận không nợ sách thư viện.

10 / Khi thanh toán ra trường cần làm thủ tục gì?

Bạn cần phải trả toàn bộ số sách mà bạn đã mượn thư viện, mang thẻ và giấy thanh toán ra trường đến làm thủ tục tại quầy thông tin.

11 / Làm sao biết Thư viện có những loại báo, tạp chí mình cần hay không?

a. Để biết Thư viện có loại Báo – tạp chí mình cần hay không, bạn có thể tra cứu trên mục lục trực tuyến, các cơ sở dữ liệu của Thư viện, hoặc liên hệ trực tiếp quầy Thông tin của thư viện.

b. Tự chọn báo, tạp chí ngay trên kệ đã xếp theo môn loại.

12 / Tôi phải làm gì khi muốn tìm đọc Báo – tạp chí lưu kho?

Báo – tạp chí mới sẽ được xếp trên giá tại thư viện. Báo, tạp chí cũ sẽ được xếp trong kho. Nếu muốn đọc những bài báo, tạp chí đã xuất bản trước đây bạn cần liên hệ với cán bộ thủ thư tại quầy Thông tin.

13 / Tôi có thể sử dụng máy tính laptop tại thư viện được không?

- Bạn có thể sử dụng máy tính laptop tại thư viện, tuy nhiên bạn cần lưu ý một số điều sau:

      + Bạn đọc không được truy cập vào website có nội dung xấu; không xem các loại băng, đĩa có nội dung không lành mạnh, nội dung phản động, nội dung sai quy định của pháp luật. Không truyền đi những thông tin có tính chất nguy hại đến an ninh quốc gia. 

       + Không được điều chỉnh âm thanh quá mức qui định, cần đeo headphone khi xem phim, nghe nhạc.

      + Bạn đọc cần đặt máy, sử dụng nguồn đúng nơi quy định, tự bảo quản máy tính của mình khi mang đến thư viện (Trừ trường hợp bạn đọc gửi máy tính tại quầy thủ thư khi vào kho chọn tài liệu).

THÔNG TIN KHÁC

1 / Tôi có thể photocopy tài liệu tại chỗ không?

Thư viện không có dịch vụ photocopy tài liệu, bạn có thể mượn và photo cho mục đích cá nhân theo luật sở hữu trí tuệ.

* Riêng luận văn, đề tài nghiên cứu, khóa luận tốt nghiệp: không được photocopy tài liệu.

2 / Em muốn đề xuất bổ sung tài liệu tham khảo trong Kho TLTK có được không?

Thư viện luôn hoan nghênh các ý kiến đóng góp xây dựng. Nếu em muốn đề xuất bổ sung những tài liệu tham khảo cần cho các môn học em có thể viết đề xuất vào sổ “Ghi những đầu sách theo yêu cầu của độc giả” để trên bàn quầy hoặc trao đổi trực tiếp tại quầy Thông tin của thư viện.

3 / Tôi muốn ký thanh toán ra trường? (làm thủ tục chuyển trường hoặc đã hoàn thành khóa học)

- Bạn đọc phải trả lại toàn bộ tài liệu đã mượn của thư viện. Với các trường hợp quá hạn sách hoặc mất sách, phải hoàn tất các thủ tục theo quy định

- Cán bộ thư viện sẽ kiểm tra và ký giấy xác nhận thanh toán ra trường cho bạn đọc tại quầy Thông tin.

4 / Nếu tôi có một số đề nghị đóng góp cho thư viện, thì tôi sẽ liên hệ với ai? Hay qua hộp thư nào? Cách thức ra sao?

Thư viện rất hoan nghênh các ý kiến đóng góp xây dựng của bạn đọc. Các ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ email: cmcthuvien@gmail.com

Ngoài ra bạn có thể đóng góp ý kiến trực tiếp tại quầy của Thư viện.

bottom of page